Vào ngày vu lan, các gia đình thường làm các món chay để thắp hương. Những món chay dưới đây đơn giản, dễ làm và rất hấp dẫn trong bữa tối của gia đình.
Theo truyền thống, ngày 15/7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan, một ngày lễ mang ý nghĩ báo hiếu đấng sinh thành, đồng thời nhắc nhở con người tìm về nguồn cội. Hàng năm, cứ vào ngày này, người dân Việt Nam có lệ: cài một bông hoa hồng đỏ hoặc trắng lên chùa lễ Phật và làm lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh... để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Trên mâm cơm cúng của người Việt mùa lễ Vu Lan thường là những món ăn chay dâng lên cha mẹ. Đây cũng là dịp để các bà nội trợ trổ tài làm món chay khoe tài nấu nướng và đãi khách.
1. Xôi gấc đậu xanh
Nguyên liệu xôi gấc đậu xanh
- Nếp cái hoa vàng
- Đậu xanh
- Đường
- Gấc
- Vừng
Cách làm xôi gấc đậu xanh
Bước 1: Gạo nếp các bạn ngâm qua đêm cho gạo nở rồi vo sạch, sau đó để gạo thật ráo và xóc gạo với 1 chút muối tinh.
Bước 2: Bổ đôi quả gấc, dùng thìa nạo lấy phần ruột đỏ ra bát rồi thêm vào 1 thìa rượu trắng, đeo bao tay nilong và bóp đều để lấy phần thịt gấc.
Bước 3: Trộn thật đều gạo nếp với phần thịt gấc để các hạt gạo có màu đỏ đẹp.
Bước 4: Đậu xanh ngâm nở, đãi sạch rồi đem hấp hoặc nấu chín, tranh thủ lúc đậu còn nóng các bạn dùng thìa miết cho đậu xanh có độ nhuyễn mịn.
Bước 5: Thêm 1 lượng đường vừa với khẩu vị của các bạn rồi bắc nồi đậu lên bếp sên nhỏ lửa đến khi đậu quánh đặc lại, tắt bếp, để đậu nguội.
Bước 6: Cho nước vào chõ, đợi nước sôi các bạn mới rải đều gạo vào chõ, dùng đũa tạo vài lỗ tròn nhỏ trên gạo để nước có chỗ thoát hơi, xôi đồ sẽ mau chín hơn.
Bước 7: Khi xôi chín, các bạn rắc 1 chút đường vào tạo cho xôi có vị ngọt nhẹ rồi rưới chút dầu ăn, trộn đều để hạt xôi được bóng.
Bước 8: Tiến hành đóng xôi vào khuôn cho đẹp, đầu tiên các bạn rải 1 lớp xôi, rồi đến 1 lớp đậu xanh ở giữa, cuối cùng lại rải tiếp 1 lớp xôi, nén chặt lại rồi lấy xôi ra khỏi khuôn, rắc chút vừng rang cho đĩa xôi thêm phần hấp dẫn.
2. Bánh bao chay
Nguyên liệu làm bánh bao chay
- 200g bột mì
- 200g nước sôi để nguội xuống 35 độ, tức nước ấm vừa uống (không nóng già cũng không quá nguội)
- 20g đường
- 50g nho khô, 2g men nở và 1 chút muối
Cách làm bánh bao chay
Bước 1: Để men nở hoạt động tốt, bạn nên khuấy 1 thìa nhỏ đường vào 100ml nước ấm, rắc men nở vào và để yên chừng 10 phút cho men nở phồng trên mặt nước.
Bước 2: Bột mì cho vào thố lớn, trộn đều cùng đường và muối. Đổ bát men nở và phần nước còn lại vào trộn đều bột. Bột sẽ khá nhão vì thế bạn dễ dàng đảo bột thật kĩ mà không cần đập bột như cách làm bánh bao thông thường.
Bước 3: Trộn thêm một nửa phần nho khô vào bột nhão. Lót màng bọc thực phẩm vào các khuôn bánh bạn có. Đổ bột vào các khuôn bánh cho đầy gần nửa khuôn, che kín bột bằng 1 chiếc khăn bông nhúng nước ấm vắt hơi ráo rồi ủ toàn bộ khuôn bột vào chỗ ấm áp và kín gió.
Có thể để trong thùng xốp, nồi cơm điện hay bọc trong khăn bông lớn, thậm chí theo cách dân dã là chùm kín chăn bông bên ngoài.
Vì dùng ít men nở hơn so với công thức làm bánh bao cơ bản nên bạn có thể phải ủ lâu hơn 2 tiếng, cho tới khi nào bột nở gấp đôi hoặc gấp 3 là được.
Bước 4: Rắc nho khô lên bề mặt bánh và cho bánh vào nồi hấp.
Bước 5: Bánh hấp chừng 20 phút thì vặn nhỏ lửa để thêm 5 phút nữa là chín và dễ dóc. Bạn có thể hấp lâu hơn nếu làm bánh cỡ lớn. Đổ bánh ra đĩa và lật xuôi lại.
3. Canh ngũ sắc
Nguyên liệu làm canh ngũ sắc
- 1 hộp đậu cô ve (khoảng 100g đậu cô ve hạt)
- 1 hộp ngô (khoảng 100 ngô ngọt )
- 2 củ khoai tây
- 1 củ cà rốt
- 30g nấm hương
- Rau mùi thơm
- Dầu đậu nành, bột nêm, mì chính
Cách làm canh ngũ sắc
Bước 1: Rửa sạch nấm hương và ngâm nấm hương với nước lạnh cho nấm nở vừa đủ và để có độ giòn khi nấu. Phần nước nấm giữ lại để nấu canh.
Bước 2: Cho ngô và đậu cove ra bát để ráo nước. Đối với khoai tây thái miếng nhỏ và cà rốt tỉa hoa.
Bước 3: Xào trước khoai tây với cà rốt cho ngấm mắm muối khoảng 10 phút.
Bước 4: Cho nấm hương vào xào cùng.
Bước 5: Thêm 2 bát nước rồi nấu trong vòng 10 phút.
Bước 6: Sau đó cho ngô và hạt đậu. Nêm gia vị vừa miệng. Trang trí thêm vài nhánh mùi lên canh ngũ sắc.
4. Nem cuốn chay
Nguyên liệu làm nem cuốn chay
- 1 gói phù trúc gồm nhiều miếng to (hay còn gọi là váng đậu)
- 1 quả trứng
- 30g giò chay
- 30g giá đỗ
- Nửa củ cà rốt
- Vài cái nấm, 1 củ tỏi, 1 nhánh hành hoa (nếu thích), 1 thìa bột năng
- Nước xốt cà chua, nước tương: mỗi thứ 2 thìa canh (60ml tất cả) và một chút dầu mè, tương ớt (nếu thích)
Cách làm nem cuốn chay
Bước 1: Rửa sạch các nguyên liệu tươi làm nem chay của bạn, bao gồm: giá đỗ, cà rốt, nấm, hành. Vẩy khô ráo nước rồi thái sợi nhỏ đồng dạng với giá đỗ. Hành tước sợi nhỏ. Giò chay cũng được thái thành sợi tương tự.
Bước 2: Đun nước sôi, thả vào ít muối và dầu ăn rồi luộc chín phù trúc. Luộc như vậy phù trúc sẽ đậm đà và mềm mại béo ngậy hơn. Vớt phù trúc ra rổ thưa để nguội và ráo nước. Cho cà rốt vào luộc chín rồi vớt ra.
Bước 3: Nấm cũng được luộc chín. Trứng tráng mỏng thái sợi. Riêng giá đỗ bạn nên luộc như sau: Thay nồi nước mới, cho giá đỗ vào nồi ngay khi nước còn lạnh, đun cho tới khi nước sôi thì vớt giá đỗ ra. Làm vậy giá đỗ sẽ dần dần tiết nước theo sự ấm dần của nồi nước, không tiết nước đột ngột, vì thế chúng được luộc chín, không còn mùi tanh nồng mà vẫn giòn như giá sống.
Bước 4: Rải phủ trúc phẳng rộng từng miếng, xếp dọc các nguyên liệu dạng sợi vào để cuộn như cách bạn cuộn nem thông thường. Dùng lá hành luộc chín để thắt nơ từng đoạn nem, dùng dao cắt chéo cuộn nem thành từng khúc ngắn.
Bước 5: Làm nước chấm: Phi tỏi thơm, xào nước tương (hoặc nước xốt chay) cùng với tương cà chua, tương ớt (nếu thích). Pha bột năng với hai thìa nước rồi đổ vào nước xốt đang xào, khuấy đều cho chín sánh thì tắt bếp.
0 Response to "Hướng dẫn làm các món chay cho ngày lễ Vu Lan"
Đăng nhận xét